Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử Xã Đông Ninh  - Huyện Đông Sơn - Tỉnh Thanh Hóa

Di tích lịch sử Văn hóa cấp quốc gia Đền thờ Nguyễn Chích

Đăng lúc: 00:00:00 18/10/2023 (GMT+7)
100%
Print

Đền thờ, Mộ, Bia tướng quân Nguyễn Chích

DI TÍCH CẤP QUỐC GIA

 ĐỀN THỜ, BIA, MỘ NGUYỄN CHÍCH

XÃ ĐÔNG NINH HUYỆN ĐÔNG SƠN TỈNH THANH HÓA

          Nguyễn Chích sinh năm Quý Hợi (1383) trong một gia đình nông dân nghèo ở làng Vạn Lộc, nay thuộc xã Đông Ninh, huyện Đông Sơn. Cha đẻ là Nguyễn Liêu, mẹ là Lê Thị æn. Ông bà sinh được ba người con trai, Nguyễn Chích là con cả. Chẳng may bố mẹ và 2 em đều mất sớm, từ nhỏ Nguyễn Chích đã phải sống trong cảnh bơ vơ, không nơi nương tựa phải đi chăn trâu để kiếm kế sinh nhai.

 

         Nguyễn Chích lớn lên trong cảnh đất nước ta bị giặc Minh xâm chiếm và biến thành quận huyện của chúng với bộ máy cai trị được thiết lập từ trung ương đến các địa phương. Sau khi dập tắt cuộc kháng chiến của cha con Hồ Quý Ly và triều Hồ, giặc Minh đã thẳng tay đàn áp các cuộc khởi nghĩa của quý tộc nhà Trần và nhân dân các vùng trong nước. Trước cảnh đất nước bị quân xâm lược giày xéo, đồng bào phải sống trong cảnh nô lệ, chàng trai ít cười ít nói trung hậu thành thực thẳng thán có chí lớn đã tập hợp lực lượng dựng cờ khởi nghĩa chống Minh ngay trên mảnh đất quê hương Vạn Lộc.Ông luôn được vợ mình là bà Nguyễn Thị Bành tham mưu, giúp sức và đảm bảo hậu cần cho cuộc khởi nghĩa. 

          Trước tình thế Vạn Lộc đã trở nên chật hẹp, yêu cầu xây dựng một căn cứ vững chắc để sẵn sàng dập tan các cuộc đàn áp của quân Minh và phát triển lực lượng mở rộng vùng giải phóng trở nên cấp bách. Là người từng trải, thấu hiểu tường tận vùng đất phía Nam Thanh Hóa, Nguyễn Chích đã quyết định chọn khu vực núi Hoàng, núi Nghiêu thuộc địa phận hai huyện Nông Cống, Đông Sơn  và Triệu Sơn, cách Vạn Lộc khoảng 09 km về phía Bắc, cách thành Tây Đô gần 50km.

Đền Nguyễn Chích.jpg

          Khu vực Hoàng Nghiêu rộng chừng 16km2 có núi đá vôi bao bọc xung quanh, tạo thành một tòa thành thiên nhiên to lớn vững chắc là nơi giấu quân lý tưởng. Ở giữa núi Nghiêu, núi Hoàng là một nhánh sông Hoàng hiền hòa phẳng lặng uốn khúc quanh co.  Nghĩa quân dựa vào địa thế hiểm yếu nơi đây là nơi có cái thế một người giữ chỗ hiểm mà trăm người không thể địch nổi để xây dựng thành một căn cứ vững chắc. Mặc dù lực lượng nghĩa quân không đông nhưng từ đây nghĩa quân đã mở rộng hoạt động ra khắp vùng Nam Thanh Hóa – Bắc Nghệ An, làm cho địch hoang mang lo sợ. Hiệu lệnh của ông được thi hành ở các huyện Đông Sơn, Nông Cống và Ngọc Sơn (nay là huyện Tĩnh Gia). Ông ra vào bí mật chặn đánh quân giặc. Nhờ thế mà một cõi Đông Sơn giặc không dám đến cướp phá.

          Khi Lê Lợi ngầm nuôi chí lớn thu phục hiền tài phất cờ đại nghĩa ở đất Lam Sơn, sau một thời gian ngÇm dô cña Lê Lợi, Nguyễn Chích đã đem toàn bộ lực lượng gia nhập nghĩa quân Lam Sơn, tự nguyên đứng dưới cờ cứu nước của Bình Định Vương. Ông được giao chỉ huy quan Thiết Đột (Tiên phong) và trong những năm hoạt động trên địa bàn miền Tây Thanh Hóa, ông đã tham gia nhiều trận chiến đấu, đập tan các cuộc càn quét của địch, tiêu diệt lực lượng của chúng và bảo toàn lực lượng kháng chiến. Đặc biệt trong các trận đánh ở Mường Thôi (tháng 10 – 1420), Quan Da (tháng 12-1422), ông xông pha lửa đạn chiến đấu dũng cảm, lập nhiều chiến công và được phong chức Thiếu úy (một chức quan võ cao cấp).

          Những năm hoạt động ở vùng rừng núi Thanh Hóa, nghĩa quân tuy giành được một số thắng lợi nhưng cũng gặp không ít khó khăn. Từ giữa năm 1423, Lê Lợi đã phát bên ngoài giả thác hòa thân, bên trong lo rèn chiến cụ, tạm thời đình chiến với giặc để củng cố lực lượng. Trước tình thế đó, vào đầu năm 1924 trong cuộc họp bàn của bộ tham mưu nghĩa quân, Lê Lợi đã hỏi các tướng: Chúng ta sẽ đi đâu để lo việc nước. Nguyễn Chích đã trình bày kế hoạch của mình: Nghệ An là chỗ hiểm yếu, đất rộng người đông. Thần đã đã từng qua lại Nghệ An nên rất thông thuộc đường đất. Nay ta trước hãy đánh lấy Trà Long, chiếm giữ Nghệ An làm chỗ đứng chân, rồi dựa vào nhân lực, tài lực nơi ấy mà quay ra đánh Đông Đô thì có thể tính xong việc yên thiên hạ.

          Kế hoạch của Nguyễn Chích đã được Lê Lợi và bộ tham mưu tán thành và đánh giá cao. Tháng 9 năm 1424 nghĩa quân mở đường tiến vào Nghệ An bằng trận đánh úp đồn Đa Căng, sau đó đánh tan quân địch ở Bồ Đằng, giải phóng châu Trà Lân, diệt hàng vạn địch tại các trận mai phục ở Khả Lưu, Bồ Ải. Chỉ trong một thời gian ngắn, hầu hết phủ Nghệ An đều được giải phóng. Nguyễn Chích tiếp tục cùng các tướng Trần Nguyên Hãn, Lê Ngân, Lê Văn An, Lê Bôi tiến quân về phía Nam, vây hãm và bức hàng các thành lũy của địch từ Nghệ An đến Tân Bình, Thuận Hóa. Với kế hoạch tiến quân vào Nghệ An người ta đều phục Lê Chích là người nhìn xa được sự việc và bày mưu rất đúng sát. Bằng trí tuệ quân sự sáng suốt, với tầm nhìn xa trông rộng của một vị tướng dày dặn kinh nghiệm, Nguyễn Chích đã vạch ra kế hoạch chiến lược đúng đắn cho cuộc khởi nghĩa. Từ đây nghĩa quân đã xây dựng Nghệ An thành một căn cứ địa vững chắc để từ đó mở rộng phạm vi hoạt động và ngày càng tạo ra thế chủ động trên chiến  trường. Với bước chuyển hướng chiến lược quan trọng này, chỉ trong một thời gian ngắn, cuộc khởi nghĩa đã nhanh chóng phát triển thành cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc rộng lớn trên quy mô cả nước. Cuối năm 1426, nghĩa quân mở cuộc phản công ra Bắc và giành một loạt chiến thắng vang dội.

          Cuộc kháng chiến thắng lợi, Lê Lợi lên ngôi Hoàng Đế và tiến hành xét thưởng công lao cho các tướng sĩ. Tháng 5 năm 1429, nhà Lê dựng biển ghi tên công thần, Nguyễn Chích cùng với 13 người khác được phong Đình Thượng Hầu và được ban quốc tính (họ Vua). Dưới ba triều vua Thái Tổ, Thái Tông và Nhân Tông, Lê Chích đã được giao nhiều trọng trách.

          Nguyễn Chích mất ngày 26 tháng 11 năm 1448 hưởng thọ 66 tuổi. Mộ ông được táng tại cánh đồng Mả Phủ (còn gọi là Mả Trạch) ở làng Vạn Lộc quê hương ông. Vua Lê Nhân Tông đã truy tặng ông chức Nhập nội kiểm hiệu, Tư không bình chương sự Thái Bảo Hiến Quốc Công, ban tên thụy là Trinh Vũ. Triều đình đã cho dựng bia tại quê hương ông để ghi nhớ công tích của vị khai quốc công thần đã có nhiều công lao đóng góp trong sự nghiệp đánh đuổi giặc ngoại xâm và bảo vệ đất nước. Bài văn bia do Tiến sĩ Trình Thuấn Du soạn năm 1450. Hơn 300 năm sau, nhà bác học Lê Quý Đôn trong tác phẩm Kiến văn tiểu lục cũng đã nhận định: Bề tôi có công khai quốc, kể về bậc tài trí cần lao không phải là hiếm, nhưng sở dĩ vua Cao Hoàng bình định được cả nước là do mưu mô của Lê Chích…Không cần phải đánh mà hạ được thành Đông Đô, lấy hòa hiếu để kết liễu chiến tranh, tuy là mưu kế của Nguyễn Trãi, nhưng trước hết làm căn bản mạnh để thu lấy thắng lợi hoàn toàn thực là bắt đầu từ Lê Chích.

Đền thờ Nguyễn Chích ở làng Vạn Lộc xã Đông Ninh huyện Đông Sơn bố cục theo kiểu chữ Nhị gồm nhà Tiền đường (3 gian), nhà Chính tẩm (3 gian), sân đền. Các vì kèo làm bằng gỗ lim, kết cấu theo kiểu giá chiêng kẻ chuyền. Trong đền có nhiều hiện vật như long ngai, bài vị: sắc phong, gia phả dòng họ Nguyễn Chích.

          Đền thờ và lăng mộ Nguyễn Chích đã được xếp hạng Di tích lịch sử và Kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia (Theo Quyết định số 3959/QĐ-BTBVH ngày 2/12/1992 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin).

          Hàng năm vào ngày 26 tháng 11 âm lịch nhân dân địa phương tổ chức Lễ hội để tưởng nhớ công lao của Tướng Quân Nguyễn Chích.
                                                                                                                      Bằng Nguyễn ( Sưu tầm )

 

  

Công khai kết quả giải quyết TTHC

Truy cập
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
370818

ĐIỆN THOẠI HỮU ÍCH

Số điện thoại tiếp nhận của các tổ chức, cá nhân liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính
02373.742.289